Những câu truyện không phải là cổ tích
Lẽ ra, tên tập sách phải là Những câu chuyện cổ tích viết lại. Bởi nó bao gồm các câu chuyện cổ tích rất quen thuộc với mọi người, nay được viết lại bằng một hình thức mới, và vẫn bảo đảm tư tưởng chủ đạo của những câu chuyện ngày xửa ngày xưa: là những bài học nhân văn giá trị.
Tập sách “Những câu chuyện không phải là cổ tích” được biên dịch từ nguyên tác Fairy – Tale Psychology do tiến sĩ tâm lý Sue Gallehugh sáng tác dựa trên những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất trên thế giới: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé quàng khăn đỏ, Công chúa ngủ trong rừng, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Vịt con xấu xí, Chú ngỗng đẻ trứng vàng, Chuyện nàng Rapunzel...
Vẫn là những nhân vật rất quen thuộc, nhưng tình tiết và diễn biến thì khác đi nhiều, mỗi câu chuyện được lồng ghép một lời khuyên mới. Như cô bé quàng khăn đỏ hiểu ra rằng, không nên phán xét người khác bằng ấn tượng chủ quan ban đầu, khi bà ngoại của cô, giờ đã kết bạn với chó sói. Hay Bạch Tuyết đã nói với bảy chú lùn: Tôi không bao giờ đánh giá người khác qua biệt danh hay vẻ ngoài của họ đâu. Cậu bé chăn cừu chúng ta thường biết đến có thói quen nói dối, trong truyện này, lại không bao giờ nói dối, chỉ mỗi phải tội thường xuyên nghiêm trọng hóa vấn đề, nhưng sau đó cũng đã bình tĩnh vạch mặt chú sói đội lốt cừu trà trộn vào đàn...
Chính những sự mới mẻ này, cùng với những từ ngữ, chi tiết của thời hiện đại, tập sách đã làm cho người đọc, người nghe vừa thấy gần gũi vừa thấy bất ngờ. Những câu chuyện tưởng cũ, những bài học tưởng đã giáo điều, nhưng nếu biết tưởng tượng, biết thêm thắt một vài tình huống, nhất là biết "hiện đại hóa" văn phong, lồng ghép thêm những kinh nghiệm thực tiễn... sẽ tạo nên một sự chia sẻ mới, một góc nhìn mới cho bản thân mọi người.